Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mẹ có một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng rất quan trọng giai đoạn mang thai và cho con bú. Việc kết hợp bú sữa mẹ và bú sữa bình trong những tuần đầu đời của bé có thể làm giảm khả năng tiết sữa mẹ và ảnh hưởng đến việc cho bé bú sữa mẹ sau đó. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để đưa ra lựa chọn phù hợp về việc cho trẻ bú sữa và chế độ ăn uống.

TRẺ NGỦ THỞ KHÒ KHÈ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ 

Trẻ ngủ thở khò khè là vấn đề rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khoảng 25% đến 30% trẻ sơ sinh sẽ có ít nhất 1 đợt thở khò khè, tăng lên 40% sau 3 tuổi và hơn 50% sau 6 tuổi. Để biết nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ thở khò khè khi ngủ là gì và cách khắc phục bệnh ra sao, bạn hãy cùng Aptaclub theo dõi nội dung bài viết này nhé!

Cách nhận biết trẻ ngủ thở khò khè

Trẻ ngủ thở khò khè là một tiếng thở bất thường với âm sắc trầm, nghe rõ nhất khi trẻ thở ra và có thể nghe thấy bằng cách đưa tai của bạn lại gần miệng trẻ. Khi tình trạng khò khè của trẻ nặng hơn, bạn có thể thấy trẻ thở ra kéo dài và nặng nhọc.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp ba mẹ rất khó nghe thấy tiếng thở khò khè của trẻ bằng tai bình thường. Khi đó, bác sĩ có thể phát hiện triệu chứng này dễ dàng hơn bằng cách sử dụng ống nghe.

tre-tho-kho-khe Trẻ ngủ thở khò khè là khi ngủ trẻ thở có âm thanh, cảm giác nghẹt ở đường thở

Nguyên nhân gây ra khò khè khi ngủ ở trẻ

Tình trạng trẻ ngủ thở khò khè thường xảy ra do những nguyên nhân sau: 

Cảm lạnh

Xảy ra quanh năm, nhưng thường nhất là vào đầu mùa thu cho đến cuối mùa xuân. Có hơn 200 loại virus gây cảm lạnh, nhưng thủ phạm chính là Rhinovirus chiếm 30-50%, sau đó là virus hô hấp hợp bào (RSV), Human metapneumovirus (MPV), virus á cúm (PIV), Adenovirus, virus cúm… 

Triệu chứng điển hình của bệnh là sổ mũi, dịch tiết nhiều gây nghẹt mũi khiến trẻ khó thở. Đặc biệt là vào ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, vấn đề hô hấp này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, Rhinovirus thường ít gây khò khè ở trẻ. Nguyên nhân cảm lạnh gây ra biến chứng khò khè ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổilà chủ yếu do virus hô hấp hợp bào (RSV) và Human metapneumovirus (MPV). 

Viêm tiểu phế quản

Là bệnh lý nhiễm trùng hô hấp dưới thường gặp phải ở trẻ dưới 2 tuổi. Độ tuổi tập trung cao nhất là 3 -6 tháng. Bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông.  

Tác nhân thường gặp nhất là RSV (50-80%)

Thở khò khè khi ngủ cũng là dấu hiệu rất thường gặp của bệnh viêm tiểu phế quản. Nguyên nhân do đường hô hấp dưới của trẻ bị tắc nghẽn bởi đàm, dịch tiết…gây hẹp đường thở dưới, cản trở luồng khí lưu thông, gây ra tiếng khò khè. Viêm tiểu phế quản không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng viêm phổi, nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. 

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit, các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Do trẻ còn nhỏ nên chưa kiểm soát tốt có thể vô tình hít vào phổi gây kích ứng, viêm đường hô hấp. Hậu quả sẽ gây ra tình trạng trẻ sẽ bị ho, khò khè, khó thở về đêm. 

Hen suyễn

Hen suyễn cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ em. Bệnh có thể khởi phát do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như khói thuốc lá, lông thú, phấn hoa, hóa chất, thay đổi thời tiết, ô nhiễm không khí… Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tràn khí màng phổi… 

tre-ngu-tho-kho-khe Hen suyễn là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngủ thở khò khè

Dị ứng

Trẻ em vô cùng nhạy cảm với các dị nguyên bên ngoài như hóa chất, mạt bụi, phấn hoa, lông thú cưng… Chính sự nhạy cảm đó khiến hệ miễn dịch của bé phản ứng quá mức, gây ra các triệu chứng không mong muốn như đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi thậm chí thở khò khè khi ngủ.

Ảnh hưởng từ việc sinh mổ

Trẻ sinh mổ thường dễ mắc tình trạng thở khò khè và hen suyễn hơn trẻ sinh thường. Lý giải nguyên nhân này, có lời giải thích thích cho rằng ở trẻ sinh mổ, sự thay đổi khu trú trong ruột của trẻ có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Một lời giải thích khác cho rằng tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh đang ngày càng tăng, điều này có thể liên quan đến nguy cơ phát triển các bệnh thở khò khè và hen suyễn. 

Hệ miễn dịch hoàn thiện chậm

Trong khi trẻ sinh thường chỉ cần khoảng 10 ngày để hệ miễn dịch hoạt động, trẻ sinh mổ lại mất tới 6 tháng để đạt được điều này, và có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này: 

  • Thiếu lợi khuẩn từ đường sinh tự nhiên của mẹ: Trẻ sinh mổ không nhận được lợi khuẩn có trong đường sinh tự nhiên của mẹ, làm cho việc khu trú của lợi khuẩn trong đường ruột chậm chạp.

  • Trì hoãn tiếp xúc da kề da: Sinh mổ làm trì hoãn việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và trẻ, khiến trẻ không thể hưởng lợi từ vi sinh vật có lợi từ mẹ và khó điều hòa nhiệt độ cơ thể.

  • Chậm bú mẹ: Việc chậm có sữa từ mẹ do mẹ cần thời gian phục hồi sau ca phẫu thuật hoặc bị cách ly trong phòng hậu phẫu. Điều này có thể làm trẻ mất đi cơ hội bú sớm và lợi ích từ sữa non của mẹ.

  • Hệ miễn dịch kém phát triển: do việc chậm được tiếp xúc với các kháng thể có ích trong sữa mẹ vì mẹ bị cách ly  4 - 5 giờ sau sinh. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa và virus. 

Trẻ sinh mổ hay thở khò khè là do quá trình sinh mổ khiến thành âm đạo và cơ vùng chậu của mẹ không ép vào phổi của trẻ, làm chậm quá trình đẩy hoàn toàn dịch trong phổi ra ngoài. Do đó, dù đã được hút nước ối và dịch ngay sau sinh, nhưng vẫn có khả năng dịch trong phổi còn sót lại, gây ra hiện tượng thở nhanh, khò khè cho trẻ.

Trẻ ngủ thở khò khè có nguy hiểm không?

Trẻ ngủ thở khò khè nguy hiểm như thế nào? Ở nội dung này, Aptaclub sẽ cùng bạn tìm hiểu.

Ảnh hưởng đến đường thở 

Khi trẻ ngủ thở khò khè có nghĩa là đường thở của trẻ đang gặp vấn đề. Trẻ thở khó khăn hơn, lượng không khí hít vào ít hơn, nên gây ra sự khó chịu. Bệnh nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến phổi của trẻ. Tình trạng xảy ra thường xuyên dẫn đến ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ.

Âm thanh phát ra bị khàn

Sự tắc nghẽn trong thanh quản do chất nhầy thường khiến trẻ thở khò khè và phát ra âm thanh khàn khi thở. Đây thường là dấu hiệu của bệnh viêm thanh khí phế quản làm hẹp đường thở bên dưới dây thanh âm, khiến hơi thở trở nên nặng nề hơn.

Gây tắc nghẽn đường thở 

Trẻ thở khò khè khi ngủ là dấu hiệu của tắc nghẽn đường hô hấp dưới hoặc các tình trạng như viêm phế quản, viêm phổi hoặc hen suyễn. Ngoài ra, những trường hợp trẻ thở khò khè kéo dài có thể do dị vật ở đường thở hoặc phế quản bị chèn ép. Để biết chính xác, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Trẻ bị thở dốc

Trẻ bị viêm phổi có thể thở nhanh và nặng nhọc bất thường. Bệnh này do vi-rút hoặc vi khuẩn gây ra, khiến tích tụ chất lỏng bên trong phế nang. Khi trẻ bị viêm phổi, đôi khi bạn sẽ thấy trẻ khó thở kèm theo các triệu chứng như tím tái và ho dai dẳng rất nguy hiểm.

tre-ngu-tho-kho-khe Trẻ thở dốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và nguy hiểm đến tính mạng

Hiện tượng thở khò khè do sự tích tụ chất lỏng trong phổi của trẻ sinh mổ thường sẽ tự giảm dần và biến mất. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, vì thế nếu bé vẫn hô hấp bình thường, da hồng hào, ăn uống và ngủ tốt thì bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, hiện tượng thở khò khè có thể là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề về hô hấp, nên tốt nhất là bạn nên đưa bé đi khám để được kiểm tra kỹ lưỡng.

Một số tình huống cần phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện 

  • Khò khè lần đầu tiên

  • Khò khè ở trẻ dưới 3 tháng 

  • Khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã hay li bì)

  • Khò khè dai dẳng hoặc tái đi tái lại 

  • Khò khè khởi phát đột ngột, cấp tính

Trẻ ngủ thở khò khè phải làm sao? Bí quyết giúp trẻ yêu ngủ ngon, khắc phục tình trạng thở khò khè 

Với những biểu hiện trên, bạn đã có thể dễ dàng nhận biết trẻ ngủ thở khò khè. Vậy, trong những trường hợp này thì các bậc cha mẹ có thể làm gì?

Vệ sinh mũi họng sạch sẽ 

Mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, tránh để đờm ứ đọng trong hốc mũi khiến trẻ khó thở. Mẹ hãy để trẻ nằm nghiêng hoặc hơi nghiêng đầu trẻ sang một bên rồi nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi của trẻ. Sau đó hơi nghiêng đầu trẻ sang bên đối diện rồi nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi bên kia.

Các mẹ cần lưu ý không nhỏ quá nhiều nước muối vào mũi trẻ. Sau khi nhỏ mũi, mẹ hãy dùng máy hút dịch nhầy ở mũi hoặc dùng tăm bông thấm phần nước muối còn sót lại trong mũi. 

Điều chỉnh tư thế ngủ

Khi trẻ ngủ thở khò khè, các mẹ nên kiểm tra tư thế ngủ của trẻ xem nằm nghiêng hay nằm sấp có đè ép khí quản, hốc mũi hay không. Nếu tình trạng trẻ ngủ ngáy thở khò khè là do nguyên nhân này thì bạn chỉ cần điều chỉnh tư thế nằm cho trẻ phù hợp. 

Giữ ấm cơ thể trẻ

Việc giữ ấm cho trẻ rất quan trọng vì điều này giúp trẻ tránh gió lạnh, ngừa sổ mũi hay ho. Cơ thể của trẻ em rất yếu, vì vậy bạn cần phải chú ý kỹ điều này. 

Cho trẻ uống nước (đối với trẻ lớn)

Uống nước sẽ giúp trẻ thông cổ họng, giảm ho và khó thở. Mẹ có thể pha một ít nước cốt chanh tươi với nước ấm cho trẻ uống để làm sạch đờm trong cổ họng nhằm khắc phục tình trạng trẻ thở khò khè khi ngủ. 

Sử dụng dầu cho trẻ

Một phương pháp dân gian được các bà mẹ công nhận là khá hiệu quả đó là thoa một ít dầu dành cho trẻ em vào lòng bàn chân của trẻ vào buổi tối. Tác dụng của dầu gió sẽ giúp trẻ dễ thở và ngủ ngon. 

tre-ngu-tho-kho-khe Trẻ được massage cơ thể bằng dầu sẽ giúp khắc phục tình trạng ngủ thở khò khè

Với nội dung bài viết trên thì Aptaclub đã cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ ngủ thở khò khè. Để biết nhiều hơn về kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ, Aptaclub mời bạn hãy truy cập vào website: https://www.aptaclub.com.vn/ để tham khải thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé!

 

Vinmec. Trẻ bị khò khè: Nhận biết dấu hiệu bất thường [Online]. Tham khảo tại: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/tre-bi-kho-khe-nhan-dien-dau-hieu-bat-thuong/ [Truy cập: 5/2024]

Monkey. Bé 3 tuổi ngủ thở khò khè: nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm [Online]. Tham khảo tại: https://monkey.edu.vn/ba-me-can-biet/su-phat-trien-cua-tre/tre-tap-di-mau-giao/be-3-tuoi-ngu-tho-kho-khe [Truy cập 5/2024]

Medscape. Chuẩn đoán thở khò khè ở trẻ em và trẻ sơ sinh [Online]. Tham khảo tại: https://www.medscape.org/viewarticle/573491 [Truy cập 5/2024]

MEDLATEC. Bé thở khò khè nhưng không có nước mũi nguy hiểm không? [Online]. 2021. Tham khảo tại: https://medlatec.vn/tin-tuc/be-tho-kho-khe-nhung-khong-co-nuoc-mui-co-nguy-hiem-khong-s75-n21953 [Truy cập 5/2024] 

Maria C. Magnus, Siri E. Håberg, Hein Stigum, Per Nafstad, Stephanie J. London, Siri Vangen, and Wenche Nystad. Sinh mổ và các triệu chứng và rối loạn hô hấp ở trẻ nhỏ. 2011 Dec 1; 174(11): 1275–1285.

Alt image

Thắc mắc về dinh dưỡng cho bé?

Chúng tôi luôn sẵn sàng để tư vấn và giải đáp những thắc mắc của mẹ về vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng cho bé.

x