Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mẹ có một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng rất quan trọng giai đoạn mang thai và cho con bú. Việc kết hợp bú sữa mẹ và bú sữa bình trong những tuần đầu đời của bé có thể làm giảm khả năng tiết sữa mẹ và ảnh hưởng đến việc cho bé bú sữa mẹ sau đó. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để đưa ra lựa chọn phù hợp về việc cho trẻ bú sữa và chế độ ăn uống.

Tại sao “bản lĩnh trẻ thơ” lại trở thành trào lưu “hot” trong thuật nuôi dạy con cái

Đời sẽ có nhiều chuyện xảy ra vượt tầm dự đoán hoặc vượt quá khả năng dạy dỗ của cha mẹ. Với những nghề nghiệp trong tương lai mà hiện tại còn chưa có, với một thế giới về sau sẽ khác xa thế giới hiện tại, cha mẹ phải làm gì đây để trang bị cho con cái mình? Câu hỏi này chắc hẳn đã khiến không ít phụ huynh phải trăn trở, nhưng sự bất định về tương lai cũng không hẳn là điều gì đó quá tệ hại.

Từ thuở ấu thơ, trẻ nên bắt đầu làm quen với sự bất định, sự không rõ ràng, không chắc chắn trong đời sống. Thực ra đó lại là cơ hội tốt, vì trẻ phải học cách thích nghi với các điều kiện môi trường thường xuyên biến đổi trong tương lai, kết quả là trẻ sẽ phát triển bản lĩnh, kỹ năng ứng phó, và cả sự tự tin nhằm húc đổ mọi thách thức hay trở ngại phía trước.

Tầm quan trọng của bản lĩnh trẻ thơ

Bản lĩnh cũng giống như một con tàu đang chòng chành giữa bão tố nhưng vẫn có khả năng giữ thăng bằng bất chấp sóng xô gió dập. Bản lĩnh là khả năng có được qua học hỏi và rèn luyện, đó là sự khéo léo vận dụng năng lực bản thân nhằm biến trở ngại thành cơ hội. Bản lĩnh trang bị cho các bé những tố chất và năng lực cần thiết, để sau này khi thử thách ập đến, chúng vẫn đứng vững. Thử thách trong tương lai có thể là sự cạnh tranh khốc liệt, những buổi phỏng vấn xin việc, bao kỳ thi, hay sự chán nản, thất vọng.

Nói nôm na, bản lĩnh là khả năng vươn đến kết quả như ý bất chấp khó khăn trước mắt. Tiến sĩ Jack Shonkoff đến từ Trung Tâm Phát Triển Trẻ Em Toàn Diện thuộc Đại học Harvard. Ông mô tả bản lĩnh như “một loại năng lực, kỹ năng, khả năng mang lại cho con người thế chủ động và quyền kiểm soát cả những tình huống khó khăn.”

Các trải nghiệm thời thơ ấu có ảnh hưởng dài lâu, góp phần định hình bản lĩnh, tác động đến tiến trình phát triển và chức năng hoạt động của các hệ thống cơ quan trong cơ thể. Bản lĩnh không chỉ quan trọng đối với hệ miễn dịch hay thể chất; bản lĩnh còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác nữa. Bản lĩnh cảm xúc giúp chúng ta vươn đến thành công và luôn bền chí vững lòng; bản lĩnh sáng tạo giúp chúng ta giải quyết vấn đề giỏi hơn; bản lĩnh xã hội củng cố nền tảng vững chắc trong các mối giao tiếp, tương tác với cộng đồng

Tiến sĩ Megan R Gunnar đến từ Viện Nghiên Cứu Phát Triển Trẻ Em thuộc Đại học Minnesota cho biết: “Mức độ quan tâm của chúng tôi đối với tố chất phát triển bản lĩnh cũng tương tự như mức độ quan tâm đối với sự phát triển khỏe mạnh của trẻ, vì trên nhiều khía cạnh, hai khái niệm này là một.

"Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển bản lĩnh trẻ thơ. Làm sao để trẻ nên người, trở thành những công dân hữu dụng bất chấp nghịch cảnh."

Trẻ bị tác động rất nhiều bởi yếu tố ngoại tại. Môi trường ngoại tại định hình và thay đổi cấu trúc não bộ của trẻ, bởi lẽ khi còn nhỏ khả năng tư duy nội tại và ý chí, ý định của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với các trải nghiệm mới, cảm xúc mới, và môi trường mới - đây là chuyện rất quan trọng.

Trung tâm Phát Triển Trẻ Em thuộc Đại học Harvard còn cho biết: Trong các trường hợp được tiếp xúc với thử thách từ nhỏ, trẻ sẽ phải học cách thích ứng và vượt qua “các mối đe dọa nằm trong tầm kiểm soát.” Đây là điều kiện tối quan trọng giúp bé phát triển tố chất bản lĩnh. Trung Tâm Phát Triển Trẻ Em của Đại Học Harvard nhấn mạnh điều này:

Áp lực hay stress không phải lúc nào cũng có hại. Có vô vàn cơ hội trong đời sống để trẻ được trải nghiệm những áp lực trong tầm kiểm soát của trẻ. Với sự trợ giúp tích cực từ phía phụ huynh, những áp lực tích cực sẽ trở thành cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng. Qua thời gian, trẻ sẽ trưởng thành và có khả năng ứng phó với mọi khó khăn và chướng ngại trong đời sống, cả chướng ngại thực thể và chướng ngại tinh thần.

Học cách làm chủ cảm xúc và các tình huống xã hội

Bản lĩnh cảm xúc có được là nhờ tiến trình phát triển sức mạnh chế ngự cảm xúc, thông qua các cơ hội được thử nghiệm giới hạn của sự sợ hãi, học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như sự giận dữ. Trẻ em thường rất nhạy bén trong việc nhận định mức độ sợ hãi. Chúng biết rõ khi nào chúng sợ hãi quá mức hay cực độ. Thông thường, trẻ có khả năng duy trì trạng thái cân bằng rất tốt giữa hai thái cực đó là cảm xúc phấn khích và sợ hãi, cho nên các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này khuyến khích cha mẹ cho bé tham gia các trò chơi đòi hỏi sự tự điều khiển, tự kiểm soát hoàn toàn.

Trẻ không chỉ thích leo cây hay đứng từ trên cao nhảy xuống đâu, chúng còn muốn tìm kiếm các tình huống thử thách trong giao tiếp xã hội, ví dụ như chơi đùa với các bạn mới đồng trang lứa, chơi với các anh chị lớn hơn. Đây là chìa khóa giúp trẻ học cách hợp tác đội nhóm và xử lý xung đột. Bản lĩnh xã hội và kỹ năng quản trị cảm xúc phát triển được là nhờ các tình huống xã hội này. Các tình huống xã hội còn có khả năng tăng cường bản lĩnh tâm lý của trẻ.

Baby eating food outdoors

Bản lĩnh không phải là chuyện một sớm một chiều

Nếu nhóc cưng của cha mẹ thuộc nhóm trẻ nhút nhát rụt rè, hay mè nheo trở chứng, cha mẹ sẽ thấy: không dễ gì giúp con mình phát triển được tố chất bản lĩnh. Cha mẹ nên xem bản lĩnh như một hành trình đòi hỏi nhiều thời gian trải nghiệm. Tiến sĩ Philip Fisher thuộc Đại học Oregon cho biết: “Cha mẹ thường rơi vào suy nghĩ lầm lạc này. Họ nghĩ: con mình hoặc là trời sinh có sẵn bản lĩnh, còn nếu sinh ra không có thì sẽ là không có luôn. Nhưng bản lĩnh là tố chất phát triển theo thời gian. Bản lĩnh phải được vun đắp qua từng hồi, từng lúc, cũng tựa như cấu trúc não bộ vậy.”

Nói cách khác, bản lĩnh giống như cơ bắp, có thể được cải thiện sức mạnh ở mọi độ tuổi. Cha mẹ hãy bắt đầu luyện bản lĩnh cho bé bằng cách cho bé thường xuyên tập thể dục buổi sáng, có thể cho bé luyện chánh niệm (khả năng tập trung tư tưởng), hoặc tạo cơ hội cho bé thực hành một số hành vi nhận thức não bộ nhất định. Đó là những phương cách rất tốt giúp bé trui rèn bản lĩnh. Nếu có người hỗ trợ trẻ xuyên suốt quá trình này thì còn bằng. Cha mẹ hoặc người lớn là những người thầy tuyệt vời nhất để làm mẫu cho trẻ thấy các kỹ năng này, sau đó cùng trẻ rèn luyện kỹ năng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi trẻ nhận được sự giúp đỡ từ một hay nhiều người lớn đáng tin cậy, khi trẻ có cơ hội được trui rèn các kỹ năng này, bản lĩnh của trẻ sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Bằng cách cho trẻ trải nghiệm thế giới xung quanh ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ đang trang bị tốt nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển bản lĩnh và chuẩn bị hành trang tố chất hoàn mỹ để trẻ đối diện với tương lai.

Khi bé vui chơi, cha mẹ hãy hỗ trợ bằng cách vào vai người làm vườn, đừng làm người thợ mộc

Vui chơi là cánh cửa cơ hội đầu tiên giúp trẻ tương tác và hòa nhập với thế giới. Thì giờ vui chơi với cha mẹ, ví dụ như trò “Ú à” quen thuộc, hoặc các hoạt động thực tế, đều rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng cũng có lúc cha mẹ nên để yên cho con cưng nhà mình tự thân tự lực.

Không như các trò chơi có quy củ và chỉ dẫn rõ ràng, các trò chơi tự do, bất định hướng sẽ đòi hỏi trẻ phải tự biên tự diễn, bằng cách này trẻ buộc phải vận dụng óc sáng tạo, qua đó cải thiện sự khéo léo và phát triển kỹ năng tương tác với vật thể hoặc tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Các trò chơi tự do sẽ buộc trẻ phải làm chủ thế giới nội tâm và cả thế giới bên ngoài mà không cần sự giúp đỡ của người lớn.

Thói thường, người lớn chúng ta thích ra lệnh và chỉ dẫn. Chúng ta thích chỉ cho trẻ làm điều này, điều kia. Tuy nhiên, khi bị người lớn kiểm soát, trẻ sẽ chỉ biết ru rú tuân thủ luật lệ và chỉ dẫn. Làm như vậy một số lợi ích của trò chơi sẽ bị mất đi, ví dụ: trẻ sẽ mất cơ hội được rèn luyện óc sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm.

Tác giả nhiều đầu sách, giáo sư tâm lý Alison Gopnik khuyên các bậc phụ huynh nên vào vai “người giữ vườn”, đừng làm “thợ mộc”. Trong đầu sách Người làm vườn và thợ mộc: Tri thức khoa học mới mẻ về sự phát triển toàn diện ở trẻ em dạy cho chúng ta điều gì về sợi dây liên kết giữa phụ huynh và trẻ em, bà Alison mô tả: thợ mộc là nguời coi trẻ như nguyên liệu thô cần phải được đục đẽo, tạo hình theo ý mình mới được, còn người làm vườn nuôi dạy trẻ em như chăm nom một khu vườn, chỉ cung cấp dưỡng chất để cây phát triển chứ không can thiệp quá sâu. Để vào vai người làm vườn, người lớn chúng ta cần phải tạo ra bệ phóng cần thiết cho trẻ phát triển tri thức và để cho trẻ tự khám phá mọi thứ, đừng can thiệp sâu trực tiếp vào chuyện dạy dỗ hay ra lệnh cho trẻ phải làm cái này, cái kia.

Mấy năm gần đây, để hậu thuẫn cho hình thức giải trí vui chơi tự do bất định hướng, nhiều “sân chơi dã chiến” mọc lên như nấm đây đó khắp toàn cầu. Dĩ nhiên, chúng ta không cần phải cất công đi đâu xa xôi tới những chỗ như vậy. Hãy cứ để bé yêu nhà mình lăn lê bò càng trên bãi biển, nghịch bùn lấm bẩn ở sân sau, nô đùa với lá cây ở công viên gần nhà, hay nằm đùa giỡn với thú cưng trên sàn nhà. Đó đều là cách thức tuyệt vời giúp trẻ có cơ hội cảm nhận thế giới xung quanh và đón nhận những trải nghiệm, cảm giác mới. Điều quan trọng là cho trẻ được tiếp cận với các trải nghiệm đa dạng và rèn cho trẻ sử dụng trí tưởng tượng.

Các bác sĩ nhi khoa đầu ngành khuyên cha mẹ nên có các khoảng thời gian đủ lâu, ngẫu hứng, không cần lịch trình cứng nhắc để cho trẻ thỏa sức chơi đùa tự do theo ý trẻ, để trẻ thỏa sức suy tư và giãn xả. Nhưng nhớ là khi đó đừng cho trẻ dán mắt vào thiết bị công nghệ, và người lớn chỉ đứng từ xa để mắt trông chừng chứ không cần chỉ dẫn từng chút.

Trong một bài thuyết trình thực hiện năm 2019, tiến sĩ Tim Moore, một nghiên cứu sinh của Bệnh Viên Nhi Khoa Hoàng Gia, đã tóm tắt mấy điều mà trẻ em cần: một người chăm sóc biết tương tác hiệu quả - một người nhạy bén biết đáp ứng nhu cầu của trẻ - một không gian an toàn để được tự do khám phá, tương tác xã hội, và làm chủ bản thân mình.

Trong một môi trường như thế, trẻ sẽ phát triển các tố chất, khả năng, sự tự tin, và bản lĩnh cần thiết để đối diện với mọi khó khăn thử thách trong tương lai.

Những bài viết liên quan

Alt image

Thắc mắc về dinh dưỡng cho bé?

Chúng tôi luôn sẵn sàng để tư vấn và giải đáp những thắc mắc của mẹ về vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng cho bé.

x