"Mẹ hãy đưa cho bé những miếng đồ ăn cầm vừa tay bé để tập cho bé tự ăn, không cần đút"
Thái độ quấy và “chứng” không chịu ăn của bé thường khiến các mẹ lo lắng và thất vọng. Các mẹ sợ bé yêu không có đủ dinh dưỡng cần thiết đáp ứng cho sự phát triển lành mạnh. Nhưng các bé lớn hơn lại rất ngoan ngoãn trong việc chấp nhận những món ăn mà chúng cần phải hấp thụ. Thật may là thói quen kén ăn của bé chập chững sẽ sớm thay đổi. Nó sẽ chóng qua thôi, và sẽ không để lại ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe của bé1.
"Khẩu vị của bé yêu thường xuyên điều chỉnh, cho nên ý thích của bé với một số món ăn có thể thay đổi theo."
Bé kén ăn có thể vì một lý do nữa: bé đã ăn đủ no, hoặc bé ăn ít hơn các bạn đồng trang lứa. Đôi khi bé kén ăn đơn giản vì hôm đó tự dưng bé không muốn ăn nhiều, cũng có thể vì bé đang không khỏe, bé bị người lớn hối thúc, bé cảm thấy bất ổn về mặt cảm xúc, chẳng hạn như bé đang buồn, đang lo âu, bất an1.
Thói quen ăn uống thất thường ở bé yêu cũng là điều bình thường, vả chăng mẹ cũng không phải là phụ huynh duy nhất đối mặt với tình trạng này. Tuy nhiên khi trẻ quấy lên và không chịu ăn, mẹ cũng khó lòng duy trì cho bé một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đa dạng. Bé chập chững đang tuổi ăn tuổi lớn nên bé cần nhiều dưỡng chất thiết yếu.
Một số mẹo vặt hữu ích giúp mẹ dỗ bé ăn ngoan2
Sau đây là một số lời khuyên giúp mẹ dỗ bé ăn ngoan, để giờ ăn của bé bớt nhọc nhằn cho mẹ:
Hãy thường xuyên ăn với bé, càng thường xuyên càng tốt. Bé yêu học hỏi bằng cách bắt chước người lớn. Bé sẽ sớm thích ăn chung với gia đình.
Tạo thói quen ăn uống có lịch trình rõ ràng cố định sau các giờ ngủ của bé - đa số bé chập chững sẽ cần ăn ba bữa chính vàhai bữa xế mỗi ngày.
Đừng để bé chập chững quá mệt hoặc quá đói trước giờ ăn - trong trường hợp đó bé thường ăn không nhiều.
Cho bé ăn hai món chính trong một bữa - Món tráng miệng ngọt với thành phần là trái cây hoặc nguyên liệu thiên nhiên sẽ cung cấp cho bé nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn.
Khi bé ăn giỏi hãy khen ngay - bé chập chững luôn thích được khen.
Sắp xếp cho bé được ăn cùng các bé chập chững khác - mẹ sẽ thấy bé ăn giỏi hơn khi bé được ăn chung với các bạn đồng lứa.
Mẹ hãy đưa cho bé những miếng đồ ăn cầm vừa tay bé để tập cho bé tự ăn, không cần đút bé.
Tắt các thiết bị làm sao nhãng giờ ăn của bé như TV, không để đồ chơi hay trò chơi ở khu vực ăn uống để tạo ra một môi trường yên lặng, tập trung - bé chập chững chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm mà thôi.
Cứ ăn từ từ, nhưng mỗi bữa ăn của bé không nên kéo dài quá 20-30 phút - có thể bé không chịu ăn nhiều, nhưng dù gì thì sau khoảng thời gian này bé sẽ không muốn ăn thêm. Nói cho bé biết rõ là bé phải chờ tới bữa chính hoặc bữa xế tiếp theo mới được ăn nữa.
Khi bé đã ăn đủ no, mẹ hãy nhận diện dấu hiệu phản ứng của bé và tôn trọng dấu hiệu đó. Bé không chịu ăn nữa thì dấu hiệu là bé quay mặt đi, ngậm chặt miệng, nhè đồ ăn ra, không chịu nuốt vào, đẩy chén hoặc dĩa đồ ăn ra, khóc, che miệng.
Mẹ hãy cho bé đi chợ chung, lúc nấu ăn hãy để bé cùng tham gia, làm vậy sẽ kích thích sự quan tâm và duy trì mối quan hệ tích cực của bé với thực phẩm.
Thay đổi địa điểm - một chuyến dã ngoại có thể làm cho bữa ăn thêm vui vẻ.
Ghi lại tất cả các món mà bé yêu đã ăn trong tuần - mẹ sẽ thấy chế độ ăn của bé đa dạng hơn mẹ vẫn tưởng.
Đừng chiều hư bé bằng cách không ăn món này thì cho món thay thês vào ngay - bé sẽ nhận ra: À, mình chỉ cần giả vờ không ăn món này thì sẽ được mẹ cho ăn món kia ngay.
Đừng cho bé uống quá nhiều nước trong lúc ăn hoặc một tiếng đồng hồ trước giờ ăn. Uống nhiều nước sẽ làm bé no và không còn chỗ trống trong bao tử để chứa đồ ăn.
Kiên nhẫn - với món ăn mới, mẹ cần phải cố cho bé ăn vài lần thì bé mới chịu ăn và thích ăn.
Biện pháp khắc phục trong trường hợp biếng ăn quá mức1
Nhiều bé e ngại quá mức về đồ ăn. Các bé không chịu ăn món mới đã đành, món quen và món khoái khẩu các bé cũng không chịu ăn. Chuyện này có thể liên quan đến một vấn đề về mặt giác quan; có thể bé không cảm thấy thoải mái khi bị dính thức ăn trên tay hoặc trên mặt; bé có một nỗi sợ vô hình về món ăn nào đó vì trong quá khứ bé đã có một trải nghiệm không hay về nó. Bé kiêng ăn quá mức sẽ khiến cho mẹ lo sốt vó. Mời mẹ tham khảo một số lời tư vấn sau để biết cách dỗ bé ăn uống ổn định và chấp nhận mối quan hệ “cơm lành canh ngọt” với đồ ăn:
Mẹ nên cho bé nhiều cơ hội được tự do chơi với các dạng chất liệu có kết cấu mềm-cứng khác nhau, chẳng hạn như màu vẽ, đất nặn, cát, bùn.
Mẹ đừng cố làm cho bé đói nhiều hơn bằng cách ngắt quãng quá lâu giữa hai bữa ăn chính - làm vậy bé càng lo sợ hơn. Nếu bé biếng ăn, mẹ hãy cho bé ăn nhiều bữa nhỏ, ăn đều cả ngày, để bé có thêm cơ hội ăn đủ.
Với món mới, mẹ đừng tìm cách “ngụy trang” nó cho giống món khoái khẩu của bé - bé chập chững sẽ sớm phát hiện ra trò ngụy trang này, làm vậy bé sẽ nghi ngờ cả những món khoái khẩu xưa nay
Đừng ép bé ăn, đừng gây áp lực khiến bé phải ăn cho được - bé có thể sẽ nôn ra, như thế lượng ca-lô-ri nạp vào sẽ giảm, và làm vậy mỗi lần ăn là một lần bé lo lắng.
Hiện tượng kén ăn có thể liên quan tới một bệnh lý, nhưng chuyện này rất hiếm gặp. Nếu mẹ nghi ngờ là các món ăn trong chế độ dinh dưỡng đang ảnh hưởng tới sức khỏe của bé, hoặc bé kén ăn, biếng ăn trong một thời gian quá lâu, mẹ nên trao đổi với bác sĩ hoặc tư vấn viên y khoa.