Mẹ sẽ nhìn thấy gì đối với trẻ 5 tháng tuổi
Giai đoạn 5 tháng tuổi mẹ sẽ thấy trẻ bắt đầu có sức mạnh rồi đấy. Ở độ tuổi này, bé sẽ tiếp tục học hỏi hoặc hoàn thiện một số kỹ năng cần thiết cho quá trình phát triển thể chất về sau. Mẹ sẽ thấy bé không ngừng tự mình vận động liên tục như chụp bắt đồ vật, phát triển khả năng cầm nắm và vồ lấy bất cứ đồ vật nào trong tầm tay của trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ có nhu cầu dung nạp thức ăn nhiều hơn. Vì vậy, dù có thể đã đến lúc để cho trẻ làm quen với việc ăn dặm, bố mẹ cũng đừng quên rằng sữa mẹ vẫn được khuyến cáo là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ cho đến 6 tháng tuổi nhé.
Các dấu hiệu phát triển về thể chất
Cầm nắm:
Bước vào tháng thứ 5, bé con sẽ phát triển khả năng cầm nắm tốt hơn và đã có thể bắt chụp, giữ lấy bất cứ đồ vật nào trong tầm tay.
Trẻ sẽ bắt đầu kiểm soát được các cử động ở bàn tay và tập di chuyển các ngón tay. So với quãng thời gian trước, việc chạm và thả các đồ vật theo bản năng của bé cũng được giảm dần. Thay vào đó, bé sẽ có thể khám phá đồ vật bằng cách giữ chặt và lắc chúng với đôi bàn tay nhỏ chứ không chỉ đơn giản là mút chúng đâu nhé. Tuy nhiên, thiên thần nhỏ vẫn chưa biết cách buông bỏ các đồ vật đó ra khỏi tay mình1. Ngoài ra, trong giai đoạn này, cánh tay, thân trên và cổ của bé cũng trở nên cứng cáp hơn, một dấu hiệu cho thấy trẻ sẽ sớm có thể ngồi dậy, vặn mình và lật đó.
Lât
Mẹ hãy lưu ý rằng bé 5 tháng tuổi sẽ học hỏi bằng cách chơi đùa đấy. Vậy nên mẹ có thể đặt trẻ nằm sấp dưới sàn nhà, bố trí các món đồ chơi xung quanh và ngoài tầm tay để khuyến khích bé rướn, lật để giúp tăng cường sức cơ vùng bụng hơn.
Mẹ cũng có thể cho gạo hoặc nui vào một chai nhựa có nắp rồi đưa cho trẻ giữ và lắc. Điều này sẽ giúp trẻ thực hành sử dụng các cơ của bàn tay, ngón tay đồng thời cũng “dạy” cho trẻ cảm nhận được điều gì xảy ra khi gạo và nui rơi xuống.
Và mẹ hãy nhớ rằng trẻ yêu luôn quan tâm đến mẹ thông qua những cử chỉ cười mỉm, cười toe toét hoặc bắt chước một số hành động của mẹ. Bé có thể nhanh chóng chán món đồ chơi ưa thích, nhưng không bao giờ bé chán sự quan tâm của mẹ đâu đấy.
Mẹ có nên cho bé ăn dặm ở độ tuổi này?
Bên cạnh các cử sữa mỗi ngày, một chế độ ăn dặm thích hợp sẽ giúp trẻ hoàn thiện sự tăng trưởng và phát triển tốt hơn. Ăn dặm, hay tập ăn thức ăn ‘đặc’, là một dấu mốc quan trọng nên mẹ cần biết làm thế nào để nhận ra các dấu hiệu ăn dặm trước khi bé thật sự bắt đầu nhé.
Nhiều mẹ vẫn chưa chắc nên cho trẻ 5 tháng tuổi ăn thức ăn gì ở giai đoạn quan trọng này. Thực tế, cho đến thời điểm 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn đang phát triển, do đó, bé sẽ không có khả năng tiêu hóa bất cứ thứ gì khác ngoài sữa.
Vì lý do trên cộng thêm việc sữa mẹ đã có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé, Bộ Y Tế Anh Quốc khuyến cáo nên trì hoãn việc ăn dặm cho đến khi bé được 6 tháng tuổi.
Khi mẹ đã chắc chắn trẻ đã đến lúc ăn dặm, bột gạo nhũ nhi mịn và sệt sẽ là món ăn đầu tiên thích hợp cho trẻ đấy. Mẹ có thể tham khảo cách chế biến bột gạo nhũ nhi với sữa mà trẻ vẫn hay dùng để làm cho bột sánh đều, mềm mịn giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Mẹ cũng có thể trộn món ăn trên với trái cây và rau củ nghiền nhuyễn để đem đến cho trẻ trải nghiệm về một thế giới mới đầy hương vị nhé.
Những bài viết liên quan
Thắc mắc về dinh dưỡng cho bé?
Chúng tôi luôn sẵn sàng để tư vấn và giải đáp những thắc mắc của mẹ về vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng cho bé.